Thông tin từ Cục Thuế cho biết thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế. Cùng đó, ngành Thuế đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế là cá nhân, doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế (đối tượng còn nợ đọng thuế).

Trong quá trình thực hiện, để đảm bảo tính minh bạch và tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ tài chính, cơ quan thuế đã thông báo trước thông qua nhiều kênh như ứng dụng eTax Mobile, tin nhắn SMS, cũng như thông tin cảnh báo trên các phương tiện truyền thông. Nhờ đó, nhiều cá nhân, tổ chức đã chủ động nộp thuế để được gỡ bỏ hạn chế xuất cảnh.
Cụ thể, trước khi thực hiện gửi “Thông báo tạm hoãn xuất cảnh” đến người nộp thuế, cơ quan thuế đã tiến hành rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ thuế và số thuế nợ tồn đọng từ phía người nộp thuế vì nhiều lý do khác nhau đã chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với ngân sách của nhà nước.
Theo thống kê của Cục Thuế, đến nay cơ quan thuế các cấp đã phát hành trên 61.000 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tổng số tiền thuế nợ lên tới trên 83.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng nhóm người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh là trên 36.000 người nộp thuế với tổng số tiền là 13.407 tỷ đồng.
Với việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh và ban hành trên 61.000 thông báo tạm hoãn xuất cảnh đến với người nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện thu hồi cho ngân sách nhà nước được gần 5.000 tỷ đồng, trong đó có 256 tỷ đồng từ nhóm người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh. Kết quả trên đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.